Kinh Nghiệm Lái Xe Đường Dài Cho Người Mới Học Lái

Với những ai đang sở hữu xe ô tô, ít nhiều trong đời chúng ta cũng phải một lần lái xe đường dài, đặc biệt là dịp Lễ, Tết sắp đến. Tuy nhiên, lái xe đường dài luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro nguy hiểm hơn gấp nhiều lần nếu so với lái xe trong phố.

Kinh nghiệm lái xe đường dài là một trong những trải nghiệm khá thú vị với hầu hết mọi người. Thay đổi địa lý, văn hóa địa phương cùng cảnh vật hai bên đường trên các cung đường mới lạ đem lại những hưng phấn rất đặc biệt đối với người lái. Tuy nhiên để đi đến nơi về đến đích, chúng ta cần phải trang bị cho mình những kinh nghiệm dưới đây cho mọi hành trình dài.

1. Chuẩn Bị Tốt Thể Lực Cùng Tình Trạng Xe

Đây là bước chuẩn bị tối quan trọng trước khi bắt đầu một hành trình dài vài trăm kilômét/ngày. Di chuyển liên tục ở các tốc độ khác nhau, từ khu dân cư đến các cung đường ngoài quốc lộ, đòi hỏi sự tập trung cao độ và thích ứng nhanh của người lái. Vì thế trước các chuyến đi, chúng ta cần phải có một giấc ngủ thật tốt, để đảm bảo sự tỉnh táo trong suốt hành trình, sẵn sàng phản ứng trước các tình huống giao thông vốn khá phức tạp trên đường phố Việt Nam.

Chúng ta cũng không quên kiểm tra xe trước các chuyến đi. Chuyến đi càng dài ngày, chúng ta càng phải chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, thậm chí có thể bảo dưỡng, thay nhớt, lốp xe mới nếu cảm thấy đã sử dụng lâu. Nếu đoạn đường sắp tới có sự thay đổi về điều kiện thời tiết, đường ẩm ướt, nhiều sương mù, bạn cũng nên trang bị thêm một bộ đèn sương mù tăng cường nếu cần thiết. Một số chi tiết cần kiểm tra khác như đèn chiếu sáng, bình ắc quy, gạt nước mưa, nước rửa kính, nước làm mát, dầu trợ lực lái…

2. Lái Xe Điềm Đạm, Từ Tốn.

Vào dịp Lễ Tết, cánh tài xế xe khách đường dài thường phải chịu áp lực vận tải lớn. Do đó, với những bác tài xe gia đình, chúng ta không cần thiết phải ganh đua, mà nên chủ động nhường đường khi cần thiết. Ngoài ra, chúng ta cũng nên hạn chế di chuyển vào ban đêm, vì đây là thời điểm các bác tài xe khách đường dài thường tranh thủ để nhanh chóng về bến, và chạy với tốc độ cao hơn ban ngày.

Với các đoạn đường quốc lộ không có dải phân cách ở giữa, chúng ta nên chủ động mở rộng tầm nhìn xa hơn, để phát hiện các xe ngược chiều vượt mặt bất ngờ. Ngược lại với các đoạn có dải phân cách, chúng ta cũng không nên bám sát dải phân cách giữa đường. Bạn nên trừ hao khoảng cách 0.5 – 1 mét, phòng trường hợp người ven đường leo trèo qua dải phân cách để bằng ngang đường, hoặc các đoạn mở để các phương tiện quay đầu hoặc người đi bộ qua đường.

3. Vượt Xe Đúng Cánh

Kỹ năng vượt xe với mọi người đã qua các kỳ sát hạch lái xe hầu như không khó. Tuy nhiên vượt xe đúng cách như thế nào lại là một vấn đề khác. Để vượt xe an toàn, trước tiên chúng ta tuyệt đối không vượt ở khúc cua khuất tầm nhìn, không vượt về bên phải khi đoạn đường chỉ có 1 làn di chuyển cho mỗi chiều đường, không vượt trên cầu, trong hầm đường bộ, không vượt ở những nơi có vạch phân cách liền và những đoạn cấm vượt. Đây hầu hết là những tình huống đã bị cấm vượt trong luật giao thông đường bộ, tuy nhiên hầu hết cách tài xế đều vi phạm nếu có sự nới lỏng của cơ quan hành pháp và cảnh sát giao thông.

4. Hạn Chế Tốc Độ Và Đánh Lái Liên Tục Khi Đi Trên Đường Quanh Co, Nhiều Khúc Cua

Với hầu hết các xe ô tô hiện đại ngày nay, hệ thống chống bó cứng phanh ABS và phân phối lực phanh điện tử EBD cũng như cân bằng điện tử đang dần trở nên phổ biến. Do đó việc vào cua ở tốc độ cao và liên tục vẫn không ảnh hưởng quá nhiều đến sự an toàn. Tuy nhiên, khi lái xe như trên, hành khách sẽ bị giật lắc liên tục, tiền đình nhanh chóng mất cân bằng và rất dễ dẫn đến tình trạng say xe.